Văn học chính thống Văn_học_Đàng_Ngoài_thời_Lê_trung_hưng

Các tác gia của mảng văn học này là những nhà Nho thuộc tầng lớp cai trị. Do hoàn cảnh lịch sử, dòng văn học này phát triển theo những hướng khác nhau, biểu hiện trên 2 mặt: tiêu cực và tích cực.

  • Khuynh hướng tích cực gồm tác phẩm của những tác giả trong chính quyền thống trị nhưng thể hiện sự cảm thông với cuộc sống xã hội khi đó khi chứng kiến cảnh người dân bị bóc lột và tang tóc vì chiến tranh. Họ đi vào phản ánh hiện thực xã hội.
  • Khuynh hướng tiêu cực là biểu hiện của những nhà nho chán nản với thời cuộc khi chứng kiến sự khủng hoảng của chế độ thống trị đương thời trước sự đấu tranh của nông dân lúc đó cùng sự sa sút của ý thức hệ phong kiến[8].

Văn học chữ Nôm

Văn học chữ Nôm thuộc phần văn học phát triển phồn thịnh nhất của dòng văn học chính thống, đánh dấu sự phát triển đỉnh cao của nội dung tư tưởng và trình độ nghệ thuật[8].

Tác phẩm nổi tiếng nhất đầu tiên là Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn vốn viết theo thể chữ Hán và được nữ sĩ Đoàn Thị Điểm chuyển sang thơ Nôm song thất lục bát. Tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh giữa thế kỷ 18 khi chiến tranh ở Đàng Ngoài diễn ra liên miên, lên án chiến tranh chia cắt hạnh phúc, phù hợp với tâm tư của nhiều người dân, được hoan nghênh ngay khi mới ra đời[9]. Sau Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều phản ánh nỗi cô đơn, phẫn uất của những người cung nữ, cũng được người đời truyền tụng.

Trong thời kỳ những cuộc nổi dậy chống triều đình giữa thế kỷ 18, có nhiều thủ lĩnh là các sĩ phu. Tác phẩm điển hình của thể loại này là Hịch Lê Duy Mật nhằm tập hợp nhân dân chống lại họ Trịnh, tạo dựng lại cơ nghiệp nhà Lê; bài thơ Chim trong lồng của Nguyễn Hữu Cầu chỉ có 13 câu nhưng rất hàm súc, nêu ý chí hiên ngang và lòng tin vào tự do[10].

Văn học chữ Hán

Thể loại văn học chữ Hán gồm có: tiểu thuyết, ký sự, tùy bút; thơ phú và tạp văn.

Tiểu thuyết, ký sự, tùy bút

Trong những thời kỳ trước, văn học đã có những tác phẩm văn mới, nhưng chưa có những truyện dài. Tiểu thuyết dài theo bố cục chương hồi kiểu Trung Quốc bắt đầu phát triển thời kỳ này, điển hình là Hoàng Lê nhất thống chí. Những tác phẩm như vậy chưa nhiều.

Trong thể loại ký sự bằng thơ, tác phẩm tiêu biểu là Chúc ông phụng sứ của Đặng Đình Tướng, Nguyễn Trạng nguyên phụng sứ tập của Nguyễn Đăng Đạo, Tinh sà thi tập của Nguyễn Công Hãng, Kính trai sứ tập của Phạm Khiêm Ích, Sứ hoa trùng vịnh của Nguyễn Tông Quai, Tập tuần ký trình của Trịnh Sâm,...

Thể loại ký sự bằng văn xuôi bắt đầu xuất hiện như Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác và Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình HổNguyễn Áng.

Tùy bút gần giống như thể ký sự và khác với thể loại tùy bút hiện nay. Tùy bút thời kỳ này có nghị luận nhưng trên cơ sở những sự kiện xảy ra như Vũ trung tùy bút ghi chép lại thực tế tập quán phong tục, thi cử và kinh tế của xã hội đương thời.

Văn học chữ Hán tuy có xuất hiện thể loại và đánh dấu bước tiến mới nhưng vẫn nặng về biên soạn, không có những khám phá và chưa mạnh dạn diễn tả hiện thực bằng văn nghệ[11].

Thơ phú và tạp văn

Thơ Đường luật vẫn là thể thơ chiếm đa số, rải rác có một số tác phẩm viết theo thể trường đoản cú hay cổ phong.

Về phú không có những bước phát triển mới; tản văn chỉ có văn bia và một số tác phẩm mang tính ngụ ngôn.

Thơ phú mang tính trữ tình thời kỳ này có các tác gia lớn như:

  • Ngô Thì Ức với Tuyết Trai thi tập và Nam trình liên vịnh
  • Đặng Trần Côn với Chinh phụ ngâm
  • Hồng Liệt Bá với Chinh phụ ngâm khúc
  • Ngô Thì Sĩ với Hải Dương chí lược, Ngọ phong văn tạp, Anh ngôn thi tập, Quan lan thập vịnh, Nhị Thanh động tập, Sách chế khải tập, Khoa sớ tập lục. Thơ văn của ông có bút pháp riêng với các nhà văn đương thời[12].
  • Phạm Nguyễn Du với Nam hành ký đắc tập, Thạch động thi văn sao, Dưỡng Hiên vịnh sử thi, Đoạn tràng lục.
  • Lê Quý Đôn với Quế Đường thi tập, Quế Đường văn tập, Bắc sứ thông lục, Kiến văn tiểu lục, Vân Đài loại ngữ, Toàn Việt thi lục, Hoàng Việt văn hải... Thơ Lê Quý Đôn thể hiện sự lạc quan yêu đời, yêu non sông đất nước với phong cảnh nhẹ nhàng, thanh thoát[13].